Hợp đồng tương lai – Futures contract
Các ông có biết rằng hợp đồng tương lai đã có lịch sử hàng trăm năm nay?
Năm 1848 đánh dấu sự ra đời chính thức của hợp đồng phái sinh với sự thành lập của Sở Giao dịch Chứng khoán Chicago (Chicago Board of Trade – CBOT), thị trường giao dịch Hợp đồng tương lai tập trung đầu tiên trên thế giới. Ban đầu, người ta chỉ ký kết các hợp đồng kỳ hạn. Đến năm 1864, các Hợp đồng tương lai mới hình thành.
Hợp đồng tương lai cổ phiếu (Equity futures) bắt đầu phổ biến tại Mỹ vào năm 1982 với các hợp đồng tương lai đầu tiên được dựa trên chỉ số (Index Futures) như Value Line, S&P 500, NYSE Composite hay MMI Index Futures.
Trong post này chúng ta sẽ đi tìm hiểu kỹ hơn về hợp đồng tương lai.
-
Định nghĩa
Cũng như hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia mà bên mua (buyer) đồng ý mua một tài sản của bên bán (seller) tại một thời điểm nhất định trong tương lai (delivery date), nhưng với mức giá được xác định trước tại thời điểm thỏa thuận (time of purchase).
-
Các đặc điểm chính
– Chuẩn hóa (standardized): Hợp đồng tương lai là một công cụ được niêm yết và giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán phái sinh. Vì vậy, các điều khoản của hợp đồng đều được chuẩn hóa về điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở (underlying asset), v.v. Các tài sản cơ sở cho hợp đồng này chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số, tiền tệ, lãi suất, và hàng hóa.
– Niêm yết (listed): Hợp đồng tương lai được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch phái sinh (futures exchange). Sàn này tạo địa điểm phục vụ giao dịch và tạo lập cơ chế giao dịch để các bên tham gia tuân thủ.
– Không rủi ro tín dụng: Sàn giao dịch đóng vai trò như một đối tác, đảm bảo rằng hoạt động chuyển hàng và thanh toán sẽ diễn ra bằng cách sử dụng một trung tâm thanh toán bù trừ (clearing house).
– Bù trừ và ký quỹ: Việc mua bán đòi hỏi cả hai bên đặt cọc một khoản tiền ban đầu, gọi là tiền ký quỹ (hay biên ban đầu – initial margin). Ngoài ra, thông thường do giá tương lai thay đổi hàng ngày nên mức chênh lệch giữa giữa giá đã ấn định trước và giá tương lai mỗi ngày cũng được tính toán lại mỗi ngày. Trung tâm giao dịch sẽ rút tiền trong tài khoản ký quỹ của một bên và chuyển vào tài khoản của bên kia, sao cho mỗi bên sẽ nhận được khoản lãi hay lỗ thích hợp mỗi ngày. Nếu tài khoản ký quỹ xuống thấp hơn một giá trị tối thiểu (ký quỹ duy trì – maintenance margin) thì người ta sẽ yêu cầu thêm khoản ký quỹ (margin call) và chủ sở hữu sẽ phải bổ sung thêm một khoản tiền hoặc thế chấp (variation margin) vào tài khoản này . Quy trình này gọi là neo giá thị trường (mark to the market).
– Tính thanh khoản cao (deep liquidity) nhờ có sàn giao dịch.
– Dễ dàng đóng vị thế: Nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua (bán) HĐTL có thể đóng vị thế của mình bằng cách tham gia vị thế bán (mua) trong giao dịch một HĐTL tương tự trước ngày đáo hạn. Điều này giúp nhà đầu tư sử dụng vốn linh hoạt hơn và không bị ràng buộc như hợp đồng kỳ hạn.
-
Giao dịch hợp đồng tương lai diễn ra như thế nào?
(1) Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch và tài khoản bù trừ tại thành viên giao dịch.
(2) Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nộp ký quỹ ban đầu cho thành viên giao dịch.
(3) Nhà đầu tư tiến hành đặt lệnh giao dịch. Số lượng ký quỹ ban đầu phải tương ứng với lệnh đặt, đồng thời phải đảm bảo nếu lệnh được khớp thì tổng số vị thế nắm giữ của nhà đầu tư sẽ không vượt quá giới hạn vị thế. Lệnh bao gồm thông tin: – Mua hay bán loại hợp đồng nào? – Tháng đáo hạn mà nhà đầu tư mong muốn – Giá tương lai của hợp đồng – Số lượng hợp đồng muốn giao dịch
(4) Hệ thống giao dịch xác nhận lệnh được khớp, gửi kết quả giao dịch lại cho thành viên giao dịch và cho trung tâm bù trừ. Thành viên giao dịch thông báo kết quả khớp lệnh cho nhà đầu tư.
(5) Dựa vào kết quả giao dịch, Sở tính toán ra giá trị thanh toán hàng ngày. Trung tâm bù trừ dựa vào đó tính toán được lãi lỗ của từng vị thế trong ngày giao dịch đó.
(6) Trung tâm bù trừ tiến hành gọi ký quỹ đối với những tài khoản có số dư ký quỹ dưới mức quy định.
(7) Nếu bị gọi ký quỹ, nhà đầu tư thực hiện nộp đầy đủ số ký quỹ bị thiếu hụt. Nếu tài khoản ký quỹ có số dư, nhà đầu tư có thể rút phần dư này.
————————
http://bank.hvnh.edu.vn/upload/4980/fck/files/Chuong%203%20HDTL.pdf
5 thoughts on “Hợp đồng tương lai – Futures contract”
Anh có thể nói rõ hơn về vấn đề: “Trung tâm giao dịch sẽ rút tiền trong tài khoản ký quỹ của một bên và chuyển vào tài khoản của bên kia, sao cho mỗi bên sẽ nhận được khoản lãi hay lỗ thích hợp mỗi ngày” được không ạ ?
Em cảm ơn anh nhiều !
Hi bạn,
Mình xin lấy 1 ví dụ như sau:
1. Vào ngày hôm nay, bạn Long 1 hợp đồng phái sinh giá 10 (tin rằng giá sẽ tăng). Dĩ nhiên phải có 1 bên khác tin rằng giá sẽ giảm, và họ Short 1 hợp đồng với giá 10 -> giao dịch hoàn tất.
2. Mỗi bên Long và Short này đều phải nộp 1 khoản ký quỹ – tương đương với đặt cọc – giả sử là 3 đồng cho trung tâm giao dịch
3. Đến cuối ngày, giá là 12 đồng -> bên Long lãi 2 đồng, và bên Short lỗ 2 đồng -> trung tâm giao dịch sẽ chuyển 2 đồng đặt cọc từ bên Short sang bên Long dù cho cả 2 bên đều chưa đóng vị thế của mình -> khoản ký quỹ của bên Long giờ là 5 đồng, và bên Short chỉ còn 1 đồng.
Hy vọng ví dụ này sẽ giải đáp đc thắc mắc của bạn.
Anh có thể giải thích kỹ hơn dùm em đoạn này không ạ. Em chưa hiểu lắm ạ
– Dễ dàng đóng vị thế: Nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua (bán) HĐTL có thể đóng vị thế của mình bằng cách tham gia vị thế bán (mua) trong giao dịch một HĐTL tương tự trước ngày đáo hạn.
Em cảm ơn !!!
Hi bạn,
Mình xin lấy 1 ví dụ như sau:
– Vào ngày hôm nay (T0), bạn Long 1 hợp đồng với giá 10.
– Vào ngày hôm sau (T1), gía của tài sản cơ sở là 13. Lúc này bạn có 2 lựa chọn:
(1) đợi đến ngày đáo hạn + tin rằng giá của tài sản cơ sở >13
(2) ngay lập tức mở 1 vị thế Short với giá 13 để hiện thực hoá 3 đồng lãi
Nôm na cũng giống việc khi mở 1 cánh cửa thì ta cần phải đóng nó lại để trả lại trạng thái ban đầu.