Bitcoin – Digital gold?
Với việc gần như toàn bộ các Ngân hàng trung ương trên thế giới in tiền không giới hạn, lợi suất trái phiếu tiệm cận 0% (có nơi đã giảm xuống mức âm – ĐIÊN RỒ), nhu cầu tích trữ tài sản tăng vọt là điều hợp lý. Trong post này, bọn tôi sẽ đưa ra một số nhận định về loại “tài sản” tăng giá tốt nhất trong thập kỷ vừa qua, gấp hơn 10 lần chí số NASDAQ (nơi bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu thế giới). Đó chính là Bitcoin.

Bitcoin là một phát minh lớn của nhân loại, với một số đặc điểm rất hấp dẫn như nguồn cung có giới hạn, hệ thống phi tập trung và tiềm năng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đang được phát triển với tốc độ chóng mặt, điển hình qua việc Tesla có kế hoạch chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, hay các công ty như Visa và MasterCard đang xây dựng những sản phẩm thẻ tín dụng bằng tiền điện tử. Rõ ràng, đây tương tự như việc xây dựng lại hệ thống tiền tệ thế giới theo một kiểu giả kim – tức là tạo ra tiền tệ từ hư không. Điều này có sức hút vô cùng đặc biệt, vì nó tương tự như việc tạo ra tín dụng đã làm cho những người phát minh và tham gia sớm vào hệ thống này trở nên rất giàu có (các ông chủ ngân hàng – bắt đầu từ Medicis vào những năm 1350).
Tuy nhiên, bọn tôi cho rằng Bitcoin vẫn còn một số hạn chế để có thể có thể trở thành một kênh tài sản trú ẩn mới. Đó là:
1. Sức mua:
Bitcoin là một tài sản cực kỳ biến động và sức mua trong tương lai của nó vẫn mang tính phỏng đoán và đầu cơ. Tuy đã vượt qua giai đoạn thử thách 10 năm đầu tiên, niềm tin vào Bitcoin vẫn còn ở quy mô quá nhỏ so với Vàng với lịch sử 4,000 năm được chấp nhận với vai trò của Tiền.
2. Pháp lý:
Bitcoin vẫn phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý và thiếu đi sự hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã đưa ra kế hoạch cấm Bitcoin và xử phạt những người đào và mua bán tiền kỹ thuật số. Hay như chính phủ Trung Quốc đã từng ban hành lệnh cấm ICO (Initial Coin Offerings vào cuối năm 2017 gây ra sự giảm giá nghiêm trọng của Bitcoin). Liệu một mặt hàng chỉ có thể thông qua những giao dịch chui có thể được chấp nhận rộng rãi hay không? Chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời là không.
3. Cạnh tranh:
Trên lý thuyết, dù Bitcoin bị hạn chế về nguồn cung nhưng số lượng các loại tiền kỹ thuật số (cryptocurrency) thì không, vì những đồng tiền mới đã xuất hiện và sẽ tiếp tục cạnh tranh. Do cách thức hoạt động của Bitcoin đã được cố định, nó sẽ không thể phát triển thêm và những đồng tiền tốt hơn có thể sẽ xuất hiện và thay thế Bitcoin. Do đó, lập luận “nguồn cung hạn chế dẫn tới giá trị cao” không còn đúng nữa. Ví dụ: nếu Nokia có nguồn cung hạn chế, chúng vẫn sẽ không có giá trị nhiều vì đã bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh cao cấp hơn như iPhone hay Samsung. Theo góc nhìn của bọn tôi, hiếm chưa chắc đã là quý.
4. Nhược điểm hệ thống:
Các nhược điểm lớn trong cách hoạt động của Bitcoin hiện tại bao gồm:
(i) mức tiêu thụ năng lượng quá lớnTheo báo cáo của đại học Cambridge thì lượng điện năng để “đào” Bitcoin đạt 120 Terawatt-hours (TWh) – lớn hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chắc chắn, tác động đến môi trường là không nhỏ, và làn sóng xanh trên thế giới sẽ có những phản đối nhất định.
Nhược điểm lớn hơn của hệ thống này là (ii) thời gian thanh toán không ổn định. Hiện tại, thời gian để xác nhận một thanh toán sử dụng Bitcoin vào khoảng 10 phút cho tới hơn vài ngày. Vì sao? Theo tìm hiểu của chúng tôi, giao dịch cần được chấp thuận bởi mạng lưới gồm 6-7 xác nhận (sử dụng block) để có thể coi là hoàn thành. Một block được “đào” và thêm vào blockchain sau mỗi 10’ (tương đương 6 block = 1 tiếng), và điều đáng nói là lượng người tham gia “đào”, cũng như sự phức tạp của các block này sẽ ngày càng tăng. Do đó, hệ thống thanh toán này sẽ khó có thể cải thiện được về tốc độ và sẽ ngày càng ngốn nhiều năng lượng.
Với những lý do trên, bọn tôi không coi Bitcoin là nơi lưu trữ tài sản tại thời điểm hiện tại. Không ai biết liệu Bitcoin có tồn tại lâu hay không, chứ chưa nói đến việc duy trì giá trị hiện tại. Có thể có một chi phí cơ hội để trả lời các câu hỏi này, và chúng tôi rất vui chấp nhận nó.
P/s 1: Các bài viết tham khảo thêm về góc nhìn của 2 quỹ lớn Bridgewater và Rothschild về Bitcoin:
https://www.bridgewater.com/research-and-insights/our-thoughts-on-bitcoin
P/s 2: Thống kê trong bài báo này chỉ ra có 21% người Việt Nam từng sử dụng hoặc sở hữu tiền kỹ thuật số. Bọn tôi cảm thấy khá bất ngờ về số liệu này, có lẽ phải nhờ thêm các độc giả khai sáng cho bọn tôi về lĩnh vực này chăng? https://vneconomy.vn/viet-nam-bat-ngo-dung-thu-hai-the-gioi-ve-do-pho-bien-cua-tien-ao-20210215215942057.htm