Phân tích DuPont

Phân tích DuPont

Xin chúc mừng các cầu thủ Atletico Madrid lọt vào trận chung kết Champions League mùa giải 2015-2016. Trận chung kết được diễn ra vào ngày 28 tháng 5 – tức là 3 tuần nữa – tức là đúng 1 tuần trước … ngày thi CFA năm nay.

Do đó, sau khi giải trí với các trận cầu đỉnh cao, bây giờ các ông cần quay trờ lại với cái giáo trình dài vô tận này.

Trong giáo trình CFA Level I có khá nhiều câu hỏi liên quan đến các tỷ số và sự liên quan của Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity – RoE) đến các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp. Một trong những mô hình thú vị trong phân tích tài chính là phân tích DuPont, đặt theo tên của công ty hóa chất Hoa Kỳ vào những năm 1920.

Đầu tiên, tôi cho các ông xem công thức cơ bản nhất của ROE:
$$ ROE = \frac{net\ income}{equity} $$
Ok, khá trực quan, nhưng mà giả sử tôi là sếp, RoE của công ty tôi bị thấp thì tôi cũng chả biết tại ai để mà chửi. Phân tích DuPont rất hữu ích trong việc này. Ý tưởng ở đây khá đơn giản, tôi sẽ tách ROE thành các tích của các phân số (yếu tố) mà chúng triệt tiêu nhau, và công thức đó giúp tôi tìm ra thủ phạm.

Công thức DuPont truyền thống:

$$ ROE = \frac{net\ income}{sales} \times \frac{sales}{assets} \times \frac{assets}{equity} $$

Bây giờ tôi có tích của 3 tỷ số, với tên gọi lần lượt là:

  • Tỷ suất lợi nhuận ròng (Net profit margin)
  • Vòng quay tài sản (Assets turnover)
  • Đòn bẩy tài chính (Financial leverage)

Cách phân tích này rất có ích để trả lời sâu vào các câu hỏi cụ thể. Ví dụ, tôi biết rằng ROE thấp là bởi vì net profit margin thấp, hoặc asset turnover thấp, hoặc doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy quá ít.

Hãy xem xét một ví dụ thực tế hơn bằng cách phân tích báo cáo tài chính của Apple năm 2012.

ROE =  41,733 / 97,413 = 42.84%

Vậy tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu là 42,84%. Điều này có nghĩa là gì ?

Sử dụng công thức DuPont cơ bản ở trên:

$$ ROE = \frac{net\ income}{sales} \times \frac{sales}{assets} \times \frac{assets}{equity} $$

  • Net Profit Margin = Net Income / Sales = 41,733 / 156,508 = 26.66%

Net profit margin, như tên gọi của nó, cho tôi biết khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu chỉ hầu như trang trải được các chi phí hay đã có thêm một phần “lời” khá tốt? Các doanh nghiệp thương mại thường sẽ có biên lợi nhuận thấp, và rõ ràng Apple là một doanh nghiệp sản xuất với hàm lượng giá trị gia tăng rất cao – thể hiện qua  con số 26% – ước mơ của các doanh nghiệp có quy mô khổng lồ như vậy.

  • Asset Turnover = Sales / Assets = 156,508 / 146,218 = 107.04%

Asset turnover đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Nếu turnover ở mức cao (như siêu thị hay các cửa hàng bánh mì) hay thấp (như các đại lý xe hơi), tôi sẽ có các kết luận khác nhau về cách mà doanh nghiệp hoạt động. Dĩ nhiên, việc cao hay thấp phụ thuộc vào đặc thù ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Ở đây, tôi có thể hiểu con số 107% có nghĩa cứ \$ 100 tài sản sẽ tạo ra \$107 doanh thu.

  • Financial Leverage = Assets / Equity = 146,218 / 97,413 = 1.50

Đòn bẩy tài chính đo lường mức độ nợ mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho hoạt động của mình. Con số 1.5 nghĩa rằng giá trị vốn chủ sở hữu gấp đôi số nợ phải trả, do đó khả năng trả nợ là tốt. Ngoài ra, Apple có khoản nợ vay không đáng kể, có nghĩa là doanh nghiệp đã không phải vay tiền để mua tài sản, hoặc đã thanh toán hết các khoản nợ này rồi.

Ok, bây giờ, tôi có công thức DuPont mở rộng:

$$ ROE = \frac{net\ income}{EBT} \times \frac{EBT}{EBIT} \times \frac{EBIT}{sales} \times \frac{sales}{assets} \times \frac{assets}{equity} $$

Tôi có 5 tỷ số lần lượt là:

  • Gánh nặng thuế (Tax burden)
  • Gánh nặng lãi suất (Interests burden)
  • Biên EBIT (EBIT margin)
  • Vòng quay tài sản (Asset turnover)
  • Đòn bẩy tài chính (Financial leverage)

Tiếp tục với ví dụ trên về Apple ta có:

  • Tax Burden = (Net Income / Earnings Before Taxes) = 41,733 / 55,763 = 74.84%

Tax Burden đo lường mức độ thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty phải trả. Tính toán ở trên cho thấy rằng ở quý gần nhất, Apple giữ lại gần 75% cho mỗi đôla họ làm ra sau khi đã trừ hết các chi phí, hay nói cách khác là mức thuế Apple phải chịu đang ở khoảng 25%.

  • Interest Burden = (EBT / EBIT) = 55,763 / 55,763 = 100%

Như đã nói ở phần trên, Apple không có khoản nợ vay nào và vì vậy không có chi phí lãi vay. Điều này có nghĩa là EBT của họ bằng với EBIT. Thông thường khi công ty có các khoản vay, EBT sẽ nhỏ hơn EBIT.

  • EBIT Margin = (EBIT / Sales) = 55,763 / 156,508 = 35.63%

EBIT Margin là một chỉ số để đánh giá mức độ tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi so với doanh thu. Ở đây, có thể hiểu chi phí sản xuất + chi phí bán hàng&quản lý doanh nghiệp của Apple chiếm khoảng 65% doanh thu của họ.


Như vậy tôi đã nắm được các yếu tố cấu thành nên ROE trong phân tích DuPont. Đây là một công cụ rất hữu hiệu để đánh giá tình hình hoạt động của 1 doanh nghiệp qua từng thời kỳ. Nó còn có thể được sử dụng để so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề hoặc lĩnh vực, và để tìm ra nhân viên để blame khi các ông lên làm sếp.  

One thought on “Phân tích DuPont

  1. Bài viết rất hay và dễ hiểu. Mong là có bài phân tích kỹ hơn về CT Dupont mở rộng gắn với minh họa số liệu!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.