HSG – Bàn về định giá và tính chu kỳ (P1)

HSG – Bàn về định giá và tính chu kỳ (P1)

Trong post tuần này, chúng ta sẽ lần đầu tiên đi tìm hiểu về một doanh nghiệp Việt Nam và cổ phiếu của họ. Đây cũng là một trong những case study rất hữu ích để bàn về tính chu kỳ của một doanh nghiệp, cũng như chiêm nghiệm về tầm quan trọng của việc định giá trong đầu tư. Đó chính là CTCP Tập đoàn Hoa Sen với mã chứng khoán HSG.

Được thành lập cách đây 20 năm bởi chủ tịch Lê Phước Vũ, tập đoàn Hoa Sen từ một công ty tư nhân nhỏ đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thép, cụ thể là các sản phẩm tôn tại Việt Nam, với thị phần khoảng 35-40% trong mảng này.

Vào giai đoạn những năm 2010-2015, HSG đã có những chiến lược ưu tiên phát triển về hệ thống phân phối và đã phủ dày đặc thị trường miền Trung và miền Nam, nơi tập trung nhu cầu tôn mạ lớn nhất cả nước với những đặc thù về thời tiết và xây dựng. Trong một ngành công nghiệp nặng đòi hỏi mức độ thâm dụng vốn rất lớn, chúng tôi cho rằng chiến lược này rất hợp lý cho HSG vào thời điểm này.

Bước ngoặt đến vào năm 2016, HSG đã công bố về siêu dự án Cà Ná – Ninh Thuận trị giá 10 tỷ USD, với mong muốn phát triển về thượng nguồn chuỗi giá trị sản xuất. Tính tới thời điểm đó, HSG vẫn phải nhập khẩu bán thành phẩm (thép cuộn cán nóng – HRC) từ nước ngoài về để sản xuất ra thành phẩm. Trong kế hoạch của HSG, dự án này có thể giúp họ làm chủ được khâu luyện gang, tức là có thể sản xuất được thép thô từ quặng sắt và than coke, và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Các chính sách lúc đó cũng rất thuận lợi khi Bộ Công thương ra quyết định áp dụng thuế tự vệ cho ngành trong thời gian 5 năm, tạo ra một lớp “áo giáp” cho doanh nghiệp nội địa. Tự tin vào kế hoạch này, vào tháng 9/2016, chủ tịch Lê Phước Vũ đã có những phát biểu khá “shock” như: “Ngu gì không làm thép”. Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm sau sự cố về môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh với câu hỏi “Chọn cá hay chọn thép?”. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra với dự án Cà Ná xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án. Và như các bạn đã biết, cho tới giờ dự án này vẫn đang bị tạm dừng cấp phép. Tới đầu năm 2021, tập đoàn HSG đã có thông báo thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn tại công ty là pháp nhân chủ đầu tư của dự án này.

Có thể thấy, việc HSG không thể phát triển thêm về phía thượng nguồn trong chuỗi giá trị sản xuất đã khiến cho lợi nhuận của họ phụ thuộc rất nhiều vào biến động giá thép thế giới. Cộng với những chính sách stocking hàng tồn kho và gia tăng đòn bẩy tài chính rất “táo bạo” của HSG, rủi ro và lợi nhuận được nhân lên nhiều lần. Có những thời điểm HSG đạt được LNST 1000-2000 tỷ/năm (như năm 2016-2017 hay 2020-2021), nhưng cũng có những thời điểm gần như không có lợi nhuận. Như có thể thấy trong hình vẽ, giá trị vốn hóa của cổ phiếu HSG cũng dao động rất mạnh, và gần như “song song” với xu hướng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Điều này khiến chúng tôi đặt ra câu hỏi, vậy giá trị hợp lý của HSG là bao nhiêu? Thậm chí, liệu nó có tồn tại không và làm thế nào để xác định được giá trị (hay khoảng giá trị) này? Quan điểm về vấn đề này sẽ được chúng tôi chia sẻ tại part 2 của bài viết, mọi người có thể để lại ý kiến về cũng như suy nghĩ của các bạn về vấn đề này nhé.

P/s: những bài báo và nguồn thông tin tham khảo:http://www.vssi.com.vn/…/chuoi-gia-tri-nganh-thep-viet…https://cafef.vn/tung-tuyen-bo-ngu-gi-khong-dau-tu-chu…https://tinnhanhchungkhoan.vn/hsg-50-loi-nhuan-den-tu-dau…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.