Kỷ niệm 20 năm bong bóng dot-com

Kỷ niệm 20 năm bong bóng dot-com

Trong post này, bọn tôi sẽ kỷ niệm 20 năm sự kiện bong bóng Dot-com và có một chút hoài niệm nho nhỏ. Năm 1993, trình duyệt Mosaic ra đời, sau đó là Netscape và Internet Explorer, giúp Internet trở nên phổ biến hơn, và con người bắt đầu thực hiện được những điều tưởng chừng như không thể.

Đối với bọn tôi, Yahoo Messenger là cột mốc đánh dấu sự phát triển công nghệ tại Việt Nam. Đây là phương tiện liên lạc phổ biến nhất của thế hệ thanh niên thời đó (cỡ ngang ngửa Facebook hiện tại). Những âm thanh BUZZ, những emoticon “:))” “=))”, hay những nick chat kiểu nobita_chayhonda_timxuka gần như đã tạo ra một thế giới mới – nơi “khoảng cách số” gần như bằng không.

Trong bối cảnh đó, tại Mỹ, các công ty công nghệ liên tục thực hiện IPO (chào bán chứng khoán ra công chúng).

Vào năm 1999, cứ 12 người Mỹ được khảo sát thì có 1 người nói rằng họ đang trong giai đoạn thành lập doanh nghiệp, và tên công ty của họ sẽ kết thúc bằng “.com” (dot-com).

Các công ty này đều có điểm chung là có (1) tầm nhìn “thay đổi thế giới”, (2) định giá cao không tưởng và (3) không tạo ra lợi nhuận. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Priceline.com – được thành lập bởi Jay Walker để giải quyết một bài toán tương đối thực tế: mỗi ngày, 500.000 ghế máy bay không bán được. Priceline sẽ rao bán những chỗ ngồi này cho những khách hàng trực tuyến – những người có thể tự đưa ra mức giá họ sẵn sàng trả. Khách hàng có chuyến bay rẻ hơn, các hãng hàng không không còn bị dư ghế, mọi thứ trở nên hiệu quả hơn và tình huống win-win-win này chỉ có thể được tạo ra bởi Internet (và Priceline). Priceline là trở thành công ty dot-com “thành công chỉ sau một đêm”, phát triển từ 50 nhân viên lên hơn 300 người và bán được hơn 100.000 vé máy bay trong 7 tháng đầu tiên. Đến cuối năm 1999, họ đã bán được hơn 1.000 vé mỗi ngày, và cố gắng mở rộng sang dịch vụ đặt phòng khách sạn, cho thuê xe hơi, thế chấp nhà và mọi thị trường ngóc ngách khác. Vào tháng 3 năm 1999, Priceline ra mắt công chúng với giá $16 một cổ phiếu. Vào ngày giao dịch đầu tiên, giá đã tăng lên $88 – tương đương vốn hóa thị trường là $9.8 tỷ. Gần như không nhà đầu tư nào quan tâm tới việc Priceline đã lỗ tới $142.5 triệu chỉ sau vài quý đầu tiên hoạt động. Về mô hình hoạt động, Priceline phải mua vé trên thị trường mở với giá gốc để đáp ứng các giá đặt rất thấp của khách hàng, trung bình lỗ $30 cho mỗi vé bán được; và công ty không hề có ý định thay đổi kế hoạch đốt tiền này.

Đây trở thành luật bất thành văn của thị trường: “mất tiền là dấu hiệu của một doanh nghiệp dot-com thành công”. Vào tháng 10 năm 1999, vốn hóa thị trường của 199 cổ phiếu Internet là $450 tỷ, đi kèm với tổng doanh thu hàng năm của các công ty chỉ khoảng 21 tỷ đô la. Và lợi nhuận hàng năm của họ? Lợi nhuận là cái gì? Tổng số lỗ là $6.2 tỷ. Mọi ông chủ đều có quan điểm: “Điều cuối cùng tôi muốn là có lãi, bởi vì khi đó tôi sẽ không có được định giá của một công ty internet.”

Cơn điên của thị trường vẫn tiếp tục. Trong nửa cuối năm 1999, vấn đề không phải là bong bóng có tồn tại hay không nữa, mà câu hỏi lúc này sẽ là độ lớn của quả bóng và khi nào nó sẽ nổ. Hầu hết mọi người đều biết nó không bền vững nhưng không ai muốn thừa nhận điều đó. Đây chính là trò chơi chuyền củ khoai tây nóng mà người cuối cùng nắm giữ sẽ bị bỏng. Sau đó, các cổ phiếu dot-com bắt đầu giảm giá. Chúng không còn tạo ra cảm giác đem lại lợi nhuận vượt trội trên thị trường chứng khoán nữa. Nỗi lo sợ bắt đầu lan tỏa. Giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Vòng xoáy tiếp tục diễn ra. Sự hoảng loạn dẫn tới việc bán tháo cổ phiếu.

Chỉ số NASDAQ đã giảm 75% từ tháng 3 năm 2000 đến tháng 10 năm 2002, xóa bỏ hầu hết mức tăng kể từ khi bong bóng bắt đầu hình thành. Nhiều công ty đã phá sản thực sự và bị xóa sổ vĩnh viễn. Tuy nhiên, bản thân Internet không biến mất. Tất cả số tiền đổ vào các công ty công nghệ trong nửa thập kỷ đầu của kỷ nguyên Internet đã xây dựng nên cơ sở hạ tầng và nền tảng kinh tế để Internet tiếp tục phát triển. Khi bong bóng vỡ năm 2000, chỉ có khoảng 400 triệu người dùng trực tuyến trên toàn thế giới. Hai mươi năm sau, con số này đã đạt hơn 4.5 tỷ. Bong bóng dot-com là sự kiện đăc biệt dạy chúng ta về giá trị của công nghệ, sự khốc liệt của thị trường tài chính và trí tưởng tượng vô hạn của con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.