Silver Thursday
Trong post này, chúng ta sẽ du hành về những năm 1970 – giai đoạn có rất nhiều biến động. Nhân vật chính của chúng ta hôm nay sẽ là 3 người anh em Nelson Hunt, Lamar Hunt và Herbert Hunt. Đã có thời điểm gia tộc Hunt có vị thế ngang bằng với gia tộc Rockefeller. Hai dòng họ này giống nhau ở chỗ họ đều phất lên nhanh chóng nhờ tìm ra mỏ dầu ở những vùng đất thuộc quyền sở hữu của mình, và đều tận dụng được nền công nghiệp dầu lửa để làm giàu. Tuy nhiên, điểm khác nhau là dòng họ Rockefeller vẫn còn được gắn liền với dầu lửa cùng sự giàu sang cho tới hiện tại, còn dòng họ Hunt lại là biểu tượng cho sự thất bại trong một phi vụ đầu cơ lịch sử.
Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã làm xói mòn niềm tin vào nước Mỹ, lạm phát gia tăng, chế độ bản vị vàng sụp đổ, đồng USD bị mất giá và lòng tin vào đồng tiền bằng giấy bị sa sút nghiêm trọng. Anh em nhà Hunt lo sợ rằng sự giàu có của họ sẽ bị đánh cắp bởi cỗ máy in tiền của Ngân hàng Trung ương và muốn bảo vệ di sản to lớn của mình. Vào năm 1933, Mỹ đã cấm tư nhân tàng trữ vàng nên hai anh em nhà Hunt đã đưa ra quyết định đầu cơ vào bạc.
Giá bạc tại thời điểm đó là 1,5 USD/ounce – mức giá mà anh em nhà Hunt tin rằng không còn có thể thấp hơn được nữa. Từ năm 1970 đến 1973, hai anh em nhà Hunt mua vào 200.000 ounce bạc và đẩy giá bạc tăng lên gấp đôi. Năm 1974, anh em nhà Hunt công bố đang sở hữu 55 triệu ounce bạc, tương đương với 8% toàn bộ khối lượng bạc dự trữ trên toàn thế giới, khiến cho các sở giao dịch chứng khoán, các cơ quan kiểm soát, và các định chế tài chính giật mình. Năm 1974, giá bạc tăng lên tới mức 6 USD/ounce. Chiến lược của họ là mua tích trữ bạc để độc quyền về giá cả.
Năm 1979, anh em nhà Hunt tiếp tục mua khối lượng lớn bạc và đẩy giá bạc lên tới 16 USD/ounce. Đó là giọt nước tràn ly. Các cơ quan quản lý e ngại rằng, nếu anh em nhà này cứ tiếp tục mua về như vậy và bạc bị rút khỏi thị trường để lưu trữ lại ở đâu đó thì khối lượng bạc mà các ngành công nghiệp cần cho sản xuất hàng ngày sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Và rõ ràng, không quản lý được thì làm gì? Các cơ quan này đã thay đổi quy định. Đầu tiên là Sở giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) tăng yêu cầu ký quỹ và hạn chế giao dịch ở 3 triệu ounce đối với bạc kỳ hạn.
Các trader có nhiều số lượng này phải loại bỏ phần thặng dư của họ muộn nhất là giữa tháng 2/1980. Giá bạc khi ấy đã tăng vút vì nỗi lo thiếu bạc thực sự, lên đến 34,45 USD/ounce kết thúc năm 1979. Ngày 7/1/1980, đén lượt Sàn giao dịch hàng hóa New York (COMEX) thay đổi quy tắc. Các trader sẽ phải hạn chế vị thế ở mức 10 triệu ounce và có hiệu lực từ ngày 18/2/1980. Sau thông báo này, giá bạc tăng mạnh hơn thế và lập kỷ lục 50 USD/ounce vào ngày 17/1/1980.Sai lầm lớn nhất và tai hại nhất của anh em nhà Hunt là không dự tính được sự quyết tâm của các cơ quan kiểm soát và quản lý thị trường. Ngày 21/1/1980, COMEX tiếp tục thay đổi quy định rằng giao dịch chỉ áp dụng với các hợp đồng thanh lý và không một ai được phép mở bất kỳ trạng thái mới nào sau thời điểm đó. Nhà đầu tư chỉ có thể thanh lý các trạng thái đã mở.
Hành động này của COMEX thật khiến giá bạc rơi từ 44 USD/ounce xuống còn 34 USD/ounce chỉ trong 1 ngày. Anh em nhà Hunt khi ấy đã không kịp trở tay để thanh toán các hợp đồng họ đã mua và cũng không thể thu hồi phần lợi nhuận từ các hợp đồng tương lai của mình. Họ phải đói diện với khoản lỗ tiềm tàng 1.7 tỷ USD. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã lo sợ một cuộc hoảng loạn về tài chính và đã cho nhà Hunt vay 1.1 tỷ USD để trang trải nợ nần.
Nhà Hunt chao đảo khi giá bạc giảm thêm đến 80% chỉ trong vòng 1 tuần. Anh em nhà Hunt đã gặp rắc rối lớn với việc sử dụng đòn bẩy quá mức để đầu cơ. Vào năm 1988, anh em nhà Hunt tuyên bố phá sản. Ngày 27/3/1980 đi vào lịch sử khi giá bạc giảm 1/3 giá trị và được gọi là Silver Thursday.