Hợp đồng kỳ hạn – Forward contract
Tài là một anh nông dân trồng cà phê, TN là một công ty xuất khẩu cà phê. TN thường hay thu mua cà phê của anh Tài để xuất khẩu ra nước ngoài. Tình hình giá cà phê trên thị trường Việt Nam thường bất ổn và dao động tùy thuộc vào tình hình giá cả cà phê trên thị trường thế giới và tình hình thời tiết. Để tránh tình trạng bất ổn, TN có thể thương lượng và ký kết hợp đồng mua cà phê kỳ hạn với anh nông dân Tài . Trong post này, chúng ta sẽ tìm hiểu đặc điểm và tính chất của hợp đồng kỳ hạn – forward contract.
-
Khái niệm
Hợp đồng kỳ hạn (forward contract) là hợp đồng giữa 2 bên – người mua và người bán, để mua hoặc bán tài sản vào một ngày trong tương lai (forward date) với giá đã thoả thuận ngày hôm nay (forward price). Tài sản ở đây có thể là bất kỳ thứ hàng hoá nào; từ nông sản, các đồng tiền, cho tới các chứng khoán.
Hợp đồng kỳ hạn là một loại hợp đồng giao sau, đối lập với hợp đồng giao ngay (spot contract) – với tài sản thường được giao trong vòng 2 ngày kể từ ngày kí kết (T+2). Hợp đồng kỳ hạn có thời điểm giao nhận xa hơn so với T+2. Chênh lệch giữa giá kì hạn và giá giao ngay gọi là khoản thặng dư (forward premium) nếu giá kì hạn cao hơn, hoặc khoản chiết khấu (forward discount) nếu giá kì hạn thấp hơn.
Người ta có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn để đầu cơ giá cả trong tương lai, nhưng thường thì mục đích của hợp đồng là để tránh việc tài sản bị tác động của rủi ro về giá cả cũng hay lãi suất trong tương lai (hedging).
Giống như mọi loại hợp đồng thông thường khác, những bên tham gia hợp đồng kỳ hạn bao gồm:
-
-
- Long position: bên mua.
- Short position: bên bán.
-
Vào đầu vụ, TN ký hợp đồng kỳ hạn 6 tháng mua của Tài 10 tấn cà phê với giá là 30 triệu đồng/tấn. Lúc đó, Tài được gọi là người bán và TN là người mua trong hợp đồng kỳ hạn.
Sau 6 tháng, Tài có nghĩa vụ phải bán cho TN 10 tấn cà phê với giá thỏa thuận trước là 30 triệu đồng/tấn và TN bắt buộc phải mua 10 tấn cà phê của Tài với giá đó, cho dù giá cà phê trên thị trường sau ba tháng có là bao nhiêu đi nữa.
Với giá thỏa thuận biết trước và cố định, cả Tài và TN đều có được sự yên tâm khỏi phải lo lắng về sự biến động giá cả cà phê trên thị trường.
-
Các đặc điểm chính:
– Về cơ bản là không bên nào phải mất phí để tham gia hợp đồng kỳ hạn.
– Hai bên đối tác có thể tự giao ước và xác định các điều khoản, các tính năng của hợp đồng để phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ (mặt hàng cụ thể, giá, thời điểm, vị trí giao nhận, mây mây).
– Hai bên hợp đồng đều phải đối mặt với rủi ro đối tác – khi mà một bên không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng cho bên còn lại.
– Giao dịch diễn ra ở các thị trường lớn, bao gồm các ngân hàng, các ngân hàng đầu tư, chính phủ và các tập đoàn mà thường không có sự kiểm soát (OTC markets). Giao dịch mang tính cá nhân cao.
– Hợp đồng thường được các bên giữ đến khi đáo hạn – không có hoặc rất ít tính thanh khoản.
– Tài sản thỏa thuận có thể là cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, các loại hàng hóa hoặc thậm chí là lãi suất.
– Tại thời điểm đáo hạn, hợp đồng có thể được thi hành bằng cách giao dịch hàng hóa được chỉ định trong hợp đồng (physical delivery) hoặc thanh toán bằng tiền mặt (cash settlement), nếu điều này được thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, bên hưởng lợi từ hợp đồng sẽ nhận được khoản tiền chênh lệch (cash difference) tương ứng so với giá thị trường.
-
Những rủi ro chính:
Có 2 rủi ro chính trong hợp đồng kỳ hạn.
Thứ nhát là rủi ro tín dụng hay rủi ro không có khả năng chi trả của hợp đồng. Nôm na là có một bên không thanh toán, hay “quỵt” của bên còn lại.
Thứ hai, giá trị của hợp đồng kỳ hạn chỉ được thanh toán vào ngày đáo hạn của hợp đồng. Vậy nên, bản thân những hợp đồng kỳ hạn có chứa nhiều rủi ro nhất trong các công cụ phái sinh.
-
Các loại hợp đồng kỳ hạn phổ biến:
– Hợp đồng kỳ hạn cổ phiếu (equity forward contract).
– Hợp đồng kỳ hạn trái phiếu (forward contract on bond).
– Hợp đồng kỳ hạn hàng hóa (commodity forward).
– Hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn (currency forward contract): Hợp đồng kỳ hạn trong đó hai bên cam kết sẽ mua hoặc bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một tỷ giá xác định, vào một thời điểm xác định trong tương lai.
– Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (forward rate agreement- FRA): Hợp đồng mà hai bên đồng ý lãi suất sẽ trả được vào một ngày thanh toán trong tương lai.
– Hợp đồng kỳ hạn không giao dịch (non-deliverable forward – NDF): Là loại hợp đồng kỳ hạn được thực hiện bằng thỏa thuận giao dịch tiền mặt (cash settlement) thay vì giao nhận tài sản gốc (physical delivery).